fbpx
cropped-logo-FPTschool-01.png
Thực hiện từ A đến Z các công đoạn từ lên ý tưởng, lập kế hoạch, thiết kế bản vẽ, dựng mô hình 3D, dựng mô hình thực tế… vừa qua, các học sinh khối 6 trường TH&THCS FPT Đà Nẵng đã hóa thân thành các kiến trúc sư trong dự án thiết kế vào tạo hình nhà ở “Dream house”.

Dự án tích hợp liên môn Toán, Công nghệ, Tin học và Mĩ thuật 

Nằm trong chương trình Công nghệ 6 học kì I, dự án “Dream house” đã mang lại cho Fschoolers những trải nghiệm thú vị khi tích hợp nhiều kiến thức từ môn Toán, Công nghệ, Tin học và Mĩ thuật. 

Mở đầu dự án, các em học sinh được tìm hiểu về lí thuyết cấu trúc của nhà ở, các kiểu nhà ở phổ biến tại Việt Nam và quốc tế. Kế đến, các bạn được chia nhóm để làm quen và lên ý tưởng thiết kế nhà ở với phần mềm phổ biến Homestyler, Cohoom. Chỉ trong hai tuần, các bạn học sinh đã cơ bản thể hiện được bản thiết kế 3D “ngôi nhà mơ ước” của mình trên phần mềm thiết kế.  

Chia sẻ về quá trình này, bạn Diệp Khanh (lớp 6A2) cho biết nhà ở có rất nhiều lối kiến trúc phổ biến nên trước khi lên ý tưởng các bạn đã được tìm hiểu qua rất nhiều để lựa chọn được ngôi nhà phù hợp với sở thích và điều kiện thực tế của mình. Ngoài ra để không mất nhiều thời gian điều chỉnh bản vẽ, trước khi bắt tay vào thiết kế, mỗi học sinh đều thực hiện đo lường diện tích, chu vi các phòng và tính toán tỉ lệ căn nhà một cách kĩ càng nhất có thể.  

“Sử dụng phần mềm thiết kế Homestyler và Cohoom chúng em có thể vẽ sơ đồ các tầng hiển thị cả ở chế độ 2D và 3D một cách trực quan. Cá nhân em thích phần mềm Homestyler hơn vì giao diện của nó khá đơn giản, dễ hiểu và dễ sử dụng. Các hộp công cụ sẵn cho phép chúng em dễ dàng thiết kế và thay đổi màu sắc, kiểu dáng ngoại thất, nội thất và cảnh quan một cách nhanh chóng đến khi nào hài lòng thì thôi”, Diệp Khanh chia sẻ thêm.  

Fschoolers lớp 6A8 đang thiết kế trên Homestyler

Thành quả xứng đáng cho nỗ lực sáng tạo không ngừng 

Sau khi hoàn thành bản vẽ tranh 3D, các nhóm học sinh tiến hành lựa chọn vật liệu phù hợp để dựng nên mô hình thực tế. Quá trình này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của tất cả các bạn làm sao để hiện thực căn nhà thành công đúng hạn và đảm bảo không gây lãng phí bất kì tài nguyên nào. Các bạn học sinh vô cùng vui vẻ hưởng ứng đề bài mà thầy giáo đặt ra. 

Bạn Thiên Lộc (lớp 6A3) cho biết ngoài bìa formex để tạo form cho căn nhà được chắc chắn, sáng đẹp thì nhóm bạn cũng như nhiều nhóm khác đã tìm kiếm và sử dụng những vật liệu tái chế như bìa carton, chai nhựa, thùng xốp, đồ trang trí thì tận dụng những cành hoa, chậu cây… mà ở nhà không sử dụng nữa để làm cho căn nhà thêm sinh động. “Để căn nhà trở nên đẹp hơn, chúng em sử dụng màu acrylic để tô lên các vật dụng, các bức tường trong ngôi nhà của mình”, Thiên Lộc hào hứng nói. 

Tỉ mỉ và chỉnh chu trong từng công đoạn, nhiều căn nhà với độ hoàn thiện cao khiến người xem mê mẩn đã ra đời qua bàn tay khéo léo của các bạn học sinh. Kết thúc dự án, các bạn tự tin sử dụng powerpoint để trình bày ý tưởng, vật liệu, cấu trúc ngôi nhà và quá trình thực hiện mô hình. 

Mong muốn tạo ra một không gian để gia đình thoải mái sum vầy sau mỗi ngày làm việc, học tập, nhóm bạn Diệp Khanh (6A2) đã thiết kế và tạo ra mô hình ngôi nhà một tầng với nội thất là những gam màu rực rỡ, ấm áp. Căn nhà nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi như: tivi thông minh, bàn ghế sofa, bàn ăn, tủ sách, bàn học, bàn trang điểm cho mẹ, tủ sưu tầm gốm cho bố… khiến ai nhìn vào cũng phải thích.

Nhóm bạn Diệp Khanh và sản phẩm của mình

Khác với nhóm trên, nhóm Bảo Ngọc (lớp 6A1) lại cùng nhau tạo nên một ngôi nhà 2 tầng hiện đại, khang trang có đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, khu nấu ăn Đặc biệt, với thiết kế có nhiều cửa sổ lớn sẵn sàng đón ánh sáng tự nhiên vào tất cả các khu vực, ngôi nhà là hình mẫu “tổ ấm” mà các bạn trong nhóm mong muốn được sở hữu trong tương lai.  

Nhóm Bảo Ngọc và “ngôi nhà mơ ước” của mình

Yêu thích kiến trúc kiểu Nhật, nhóm bạn Tuấn Khang (lớp 6A3) đã thành công tái hiện một ngôi nhà cấp 4 theo phong cách này. Xung quanh ngôi nhà có nhiều cây xanh trên thảm cỏ xanh mướt. Phòng khách trang nhã thông với bếp, nơi chủ nhà có thể chuẩn bị món ăn yêu thích, tận hưởng vẻ đẹp của ánh sáng và cây xanh qua cửa sổ. 

Nói về quá trình làm ra sản phẩm, Tuấn Khang chia sẻ: “Nhóm cũng gặp nhiều khó khăn vì thời gian làm bài khá gấp rút. Tuy nhiên em cảm thấy rất vui và hài lòng với sản phẩm của nhóm mình. Mặc dù trong quá trình làm việc chúng em đôi khi có những bất đồng quan điểm và xảy ra tranh cãi nhưng cuối cùng vẫn giải quyết được, từ đó chúng em cũng hiểu và đoàn kết với nhau hơn”. 

Cận cảnh ngôi nhà cấp 4 mái lệch độc đáo của nhóm Tuấn Khang

Thầy Tn Hùng (Tổ Tự nhiên) cho biết tại nhà F, ngoài việc đánh giá kết quả sản phẩm, thầy cô còn phải căn cứ vào quá trình làm việc nhóm, lên ý tưởng và khả năng phối hợp tìm kiếm thông tin của các bạn học sinh. Theo thầy giáo, bên cạnh những nhóm th hiện tốt cũng có nhiều nhóm còn hạn chế, nhưng chắc chắn dự án đã mang lại cho các bạn nhiều trải nghiệm để khơi gợi đam mê, thúc đẩy phát triển tư duy, bồi đắp và tích lũy kĩ năng sống thực tế cho bản thân mình.