Có thể nói, trong mỗi cuộc đổi mới ở bất kỳ lĩnh vực nào, con người cũng luôn là một trong những yếu tố “then chốt”. Bởi vậy, người thầy luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đổi mới giáo dục và đào tạo.
Ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường – Trường Đại học FPT có những chia sẻ đầy ý nghĩa về triết lý giáo dục và điểm khác biệt ở Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) – những điều tạo nên “sức hút” của môi trường giáo dục – đào tạo này.
“Ở FPT, tôi được làm việc mình yêu”
Năm 1993, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Hoàng Nam Tiến “đầu quân” về Tập đoàn FPT và gắn bó đến nay tròn 30 năm.
“Với tinh thần “Người FPT kiến tạo hạnh phúc”, suốt 30 năm gắn bó với FPT, tôi may mắn vì luôn được làm việc mình yêu và luôn yêu thích công việc mình đang làm. Ở trong môi trường như vậy, tôi luôn luôn có những trải nghiệm hạnh phúc” – ông nói.
Khi được hỏi “Điều gì đủ hấp dẫn để khiến ông gắn bó với Tập đoàn FPT suốt những năm qua?”, ông Hoàng Nam Tiến đã trả lời ngay trong khoảnh khắc: “Tôi nghĩ rằng, đó là, ở FPT, tôi được làm việc mình yêu và yêu công việc mình làm”.
Sau nhận định hóm hỉnh đó, ông Tiến hồi tưởng lại hành trình mình đi qua, với 6 công việc hoàn toàn khác nhau, không chỉ là 6 vị trí mà là 6 lĩnh vực: Từ kinh doanh, bất động sản, phần mềm, viễn thông…, và hôm nay là giáo dục.
Ông cho biết, qua mỗi lĩnh vực, ông và cộng sự đều trực tiếp đối đầu với những thách thức mới, không thời điểm nào không khó khăn. Khi tiếp nhận mảng phần mềm, mảng này của FPT đang loay hoay tìm cách tăng trưởng. Khi ông nhận mảng viễn thông, đại dịch Covid-19 ập tới làm mọi ngành kinh doanh điêu đứng. Ông nhận định khó khăn giống như một trận chiến, mà qua mỗi trận, tướng sĩ và binh lính đều được trưởng thành. Vì vậy mỗi khi đổi công việc sang một tổ chức mới, cũng là một lần đổi nghề, ông coi đó là một cơ hội vì được làm mới chính mình.
Ông Tiến bày tỏ: “Khi sang mảng mới, nhận nhiệm vụ mới, tôi lại được học, học thêm rất nhiều, học từ những người giỏi nhất, từ những công ty thành công nhất, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Sống trong một môi trường thú vị như vậy, làm sao tôi có thể cảm thấy nhàm chán, mà từ bỏ được?”.
Ông Hoàng Nam Tiến là con út của Thiếu tướng Hoàng Đan – nguyên Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng.
Với ông, người thầy đầu tiên và người thầy vĩ đại nhất là ba mình. Những chia sẻ và lời dặn của Tướng Hoàng Đan luôn được con trai ghi nhớ và sử dụng như một chất liệu ứng biến trong những hoàn cảnh khác nhau.
Ông Tiến tâm sự: “Cả cuộc đời ba tôi là chiến trường và nhà trường. Cứ buông tay súng, ba lại cầm viên phấn giảng dạy cho các lớp sĩ quan trẻ – những người chỉ huy trong quân đội sau này. Ba từng nói với mẹ tôi những điều rất giản đơn về cuộc chiến, không hoa mỹ “vì nghĩa lớn” mà chỉ đơn giản là để vợ và các con được sống yên ổn, hòa bình ở Hà Nội, được sống cuộc sống bình thường. “Anh đi đánh nhau để con mình sau này không phải đi đánh nhau nữa”, đó là lời ba đã viết trong bức thư gửi mẹ tôi năm 1972 từ chiến trường.”
Ông Hoàng Nam Tiến cũng chia sẻ rằng, ba từng mong ông trở thành nhà khoa học. Nhưng ông đã đi theo con đường kinh doanh và hiện tại là giáo dục. Tướng Hoàng Đan trước và sau khi về hưu luôn đi giảng dạy cho các tướng lĩnh, đặc biệt là các sĩ quan trẻ, còn hiện tại ông Hoàng Nam Tiến đang là “Giáo Tiến” ở FPT Education.
“Tôi đã đóng góp vào công cuộc đưa các bạn trẻ vươn ra toàn cầu, đưa trí tuệ Việt Nam nâng tầm quốc tế, và ngày hôm nay đóng góp vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo các công dân toàn cầu để thực hiện lời Bác Hồ dạy sánh vai các cường quốc năm châu” – ông nói.
So sánh với những công việc, trước đây, ông Tiến cho biết, trước kia khi làm kinh doanh ông thường bị ám ảnh về OKR, KPI, có thể nói nôm na là ám ảnh về “cơm, áo, gạo, tiền”, lúc nào cũng phải lo tăng trưởng doanh thu, tăng lợi nhuận, giảm chi phí, lúc nào cũng phải xây dựng đề án công nghệ, dự án phát triển, đổi mới, sáng tạo… trách nhiệm đè lên vai nhiều.
Hiện tại, công việc ông Tiến làm rất khác biệt. Mỗi ngày, ông gặp được nhiều bạn trẻ hơn, được chia sẻ với nhiều các doanh nghiệp và thậm chí là những buổi dạy cho các bạn mới chỉ 15 tuổi.
“Là một thầy giáo thực sự là một thử thách nhưng lại là một niềm vui khó có gì có thể so sánh được” – ông Tiến chia sẻ.
Giáo dục 5 chiều – chìa khóa để trở thành công dân toàn cầu
Ông Hoàng Nam Tiến cho biết, FPT Education đã đặt cho mình một sứ mệnh, đó là cung cấp năng lực cạnh tranh toàn cầu cho đông đảo người học, góp phần mở mang bờ cõi trí tuệ đất nước.
“Nghĩa là, khi bạn học một trường tại FPT Education, chúng tôi sẽ đào tạo các bạn trở thành những công dân toàn cầu, để các bạn không chỉ có cơ hội với một thị trường trong nước, mà đủ bàn đạp để thực hiện khát khao vươn tới thị trường 8 tỷ người trên thế giới” – ông Tiến lý giải.
Để đạt được điều đó, ông Tiến nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, phương pháp học tập một chiều thầy giảng trò nghe đã không còn hiệu quả. Để đạt được kết quả tốt nhất và nhanh chóng tăng tốc, các bạn trẻ cần có được tư duy học tập 5 chiều:
Chiều thứ nhất, học từ những người thầy, những người lãnh đạo, người hơn mình về chuyên môn nghiệp vụ, học từ chính cha mẹ mình – “không thầy đố mày làm nên”. Thứ hai, học với những người đồng nghiệp, học từ những người bạn – “học thầy không tày học bạn”. Thứ ba, “con hơn cha, nhà có phúc” – tức là phải học từ những người trẻ hơn. Thứ tư, bản thân mỗi người phải tự học. Thứ năm, trong thời kỳ này và trong tương lai, phải biết học từ trí tuệ nhân tạo AI.
“Tôi muốn nhấn mạnh đến chiều thứ ba – “con hơn cha, nhà có phúc”. Và xin bật mí với các bạn: Thầy giáo mới nhất của tôi là một chàng sinh viên 22 tuổi vừa ra trường” – ông chia sẻ.
Người giáo viên hạnh phúc sẽ đổi thay thế giới
Nhắc lại định hướng của Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường – Trường Đại học FPT về xây dựng trường học hạnh phúc, ông Hoàng Nam Tiến tâm đắc: “Kiến tạo trải nghiệm học tập hạnh phúc là quan điểm của FPT Education. Chúng tôi cho rằng với học sinh, sinh viên, phải làm sao để mỗi ngày đi học với các em là một ngày vui, mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc, các em luôn chờ đợi và háo hức đến trường. Và muốn như thế, thì chính người thầy giáo, cô giáo cũng phải kiến tạo được hạnh phúc cho bản thân mình trong công việc”.
FPT Education làm điều đó với một sứ mệnh lớn, tầm nhìn lớn, và những việc nhỏ hằng ngày như mỗi thầy cô tự chủ trên giảng đường của mình, tìm hiểu về tâm lý học học sinh, sinh viên sau giờ giảng, không ngừng rèn luyện chuyên môn và bản
lĩnh của bản thân qua nhiều hoạt động chuyên môn, hòa mình vào đời sống học sinh – sinh viên qua các hoạt động ngoại khóa….
“Chúng tôi tin rằng người giáo viên hạnh phúc sẽ đổi thay thế giới” – nụ cười trên gương mặt ông như một lời hứa tự nhiên mà kiên định của hàng nghìn thầy giáo, cô giáo áo cam đang đứng trên bục giảng hôm nay.
Theo Giaoduc.net